Thủ Tục Mua Bán Nhà Đất Năm 2022 – Hướng Dẫn Làm Thủ Tục
Thủ tục mua bán nhà đất năm 2022 có gì thay đổi so với các năm khác hay không? Tham khảo ngay bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là gì?
Theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 thì:
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hay còn gọi là sổ đỏ) là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Có thể thấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ý nghĩa hết sức quan trọng là căn cứ pháp lý chứng thực cho chủ thể sở hữu đất quyền sử dụng đất quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của mỗi cá nhân. Do đó việc mua bán sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần tuân thủ theo quy định pháp luật.
Thủ tục mua bán nhà đất năm 2022

Để giúp các bạn có thể dễ dàng thực hiện việc mua bán đất nhanh chóng, dưới đây Vuiland.vn sẽ hướng dẫn thủ tục mua bán đất năm 2022 như sau:
Bước 1: Khi các bên đã bàn bạc thống nhất việc mua bán đất thì các bên có thể tiến hành hợp đồng đặt cọc.
Thông thường nội dung hợp đồng đặt cọc gồm các nội dung như sau:
+ Đối tượng của hợp đồng (thông tin về quyền sử dụng đất, nhà ở); – Thời hạn đặt cọc
+ Giá chuyển nhượng (mặc dù chưa ký hợp đồng chuyển nhượng nhưng các bên thường thỏa thuận giá chuyển nhượng nhà đất để tránh biến động)
+ Mức đặt cọc
+ Quyền, nghĩa vụ của bên nhận đặt cọc và bên đặt cọc
+ Phương thức giải quyết khi các bên có tranh chấp
+ Cam kết của các bên.
Hợp đồng đặt cọc hiện nay pháp luật cũng không quy định cần công chứng. Tuy nhiên, để tránh tranh chấp hoặc các rủi ro khác thì các bên nên công chứng hoặc chứng thực hoặc có người làm chứng để đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng.
Bước 2: Công chứng hợp đồng mua bán đất tại phòng công chứng
Các bên sau khi đặt cọc hoặc không thỏa thuận đặt cọc thì sẽ tiến hành công chứng hợp đồng tại văn phòng công chứng của Nhà nước hoặc Văn phòng công chứng tư nhân trong phạm vi tỉnh, thành phố nơi có đất.Các bên cần chuẩn bị bộ hồ sơ gồm các giấy tờ đầy đủ theo quy định.
+ Bên bán: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu của cả vợ và chồng và còn hạn sử dụng); Sổ hộ khẩu; Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân hoặc hợp đồng ủy quyền (nếu bán thay người khác)
+ Bên mua: Giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu của cả vợ và chồng và còn hạn sử dụng); Sổ hộ khẩu; Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân.
Bước 3: Kê khai nghĩa vụ tài chính theo quy định khi tiến hành thủ tục mua bán đất
Tùy vào thỏa thuận các bên để xác định bên mua hay bên bán là người nộp thuế.
+ Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không có thỏa thuận bên mua là người nộp thuế thay cho bên bán thì nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ thời điểm hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực..
+ Nếu bên mua đất chịu thuế thì thời gian kê khai thuế chậm nhất tính từ thời điểm làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu và sử dụng đất.
Bước 4: Nộp hồ sơ sang tên sổ đỏ tại văn phòng đăng ký đất đai
Sau khi thực hiện các thủ tục đã hoàn tất, bên mua tiếp tục mang hồ sơ đầy đủ lên phòng địa chính – nơi quản nhà đất để thực hiện làm thủ tục sang tên sổ đỏ.
Việc thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ được thực hiện theo trình tự nộp hồ sơ với đầy đủ các thông tin giấy tờ cần chuẩn bị sau:
+ Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK
+ Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp
+ Hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng
+ Ngoài ra, phải có sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước nhân dân.
Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nếu có nhu cầu. Bên cạnh đó khi nhận được thông báo thực hiện nghĩa vụ tài chính như: Tiền sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ…thì chủ thể nhanh chóng tiến hành nộp theo số tiền như thông báo tại cơ quan thuế và biên lai thì giữ và gửi lại cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.
Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra thông tin hồ sơ. Trong trường hợp hồ sơ đủ thông tin sẽ thực hiện giải quyết yêu cầu và hẹn trả kết quả theo lịch hẹn. Ngoài ra văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Bước 5: Hoàn tất thủ tục và nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất.
Sau khi cả 2 bên đã hoàn tất những thủ tục mua bán nhà đất và kê khai nộp thuế đầy đủ thì khách hàng sẽ làm nhiệm vụ cuối cùng là mang toàn bộ giấy tờ đến cơ quan thẩm quyền. Cơ quan thẩm quyền được nhắc đến ở đây là UBND (ủy ban nhân dân) – nơi thực hiện thủ tục mua bán đất.
Xem thêm bài viết: Nhận Ký Gửi Nhà Đất Bình Dương