Chuyển Nhượng Bất Động Sản – Những Điều Bạn Cần Biết
Trong quá trình chuyển nhượng bất động sản, hẳn đôi khi bạn cũng cảm thấy bối rối về những giấy tờ và thủ tục cần thiết, nhất là trong thời điểm này khi mỗi ngày lại có đến hàng nghìn giao dịch chuyển nhượng bất động sản trên thị trường. Để giúp bạn trang bị thêm một số thông tin và kiến thức về quá trình này, hãy xem ngay bài viết “chuyển nhượng bất động sản” để được hiểu rõ hơn nhé!
Chuyển nhượng là gì?

Chuyển nhượng được hiểu là hành vi pháp lý của các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình chuyển giao quyền và nghĩa vụ liên quan cho chủ thể khác. Chủ thể được nhận chuyển nhượng phải trả tiền cho bên chuyển nhượng.
Đối tượng của việc chuyển nhượng bao gồm quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng, các quyền gắn liền với quyền sử dụng đất đó.
Trong đó, nhà ở là các công trình xây dựng nhằm mục đích để ở, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình. Bao gồm nhà ở riêng lẻ, căn hộ chung cư, nhà liền kề. Tài sản gắn liền với đất như cây lâu năm, giếng nước, tường, hàng rào hay quyền với bất động sản liền kề.
Điều kiện chuyển nhượng bất động sản
Chuyển nhượng bất động sản đất đai phải đầy đủ các điều kiện sau:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đối với chủ sở hữu khu đất muốn chuyển nhượng.
- Đất đứng tên người chuyển giao, không có bất cứ tranh chấp nào.
- Đất vẫn trong thời hạn sử dụng, không dính quy hoạch
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án trong trường hợp rủi ro xảy ra
Trình tự, thủ tục thực hiện chuyển nhượng bất động sản
Bước 1: Công chứng Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
- Giấy tờ cần chuẩn bị công chứng bao gồm:
- Dự thảo hợp đồng
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng (theo mẫu)
- Bản sao CMND, sổ hộ khẩu của các bên
- Giấy tờ chứng minh tài sản chung/riêng (Giấy đăng ký kết hôn/ giấy xác nhận độc thân)
- Bản sao giấy tờ khác liên quan đến hợp đồng theo quy định pháp luật
Bước 2: Nộp hồ sơ
Văn phòng đăng ký đất đai sẽ tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và tiến hành theo quy trình nếu đã đầy đủ.
Hồ sơ đầy đủ bao gồm:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (01 bản chính + 02 bản photo có chứng thực)
- CMND, hộ khẩu 2 bên chuyển nhượng (02 bản có chứng thực)
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (02 bản có công chứng)
- Giấy tờ chứng minh tài sản chung/ riêng (giây xác nhận tình trạng hôn nhân, 02 bộ có chứng thực)
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (01 bản chính)
- Tờ khai lệ phí trước bạ (02 bản chính)
- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân (02 bản chính)
- Tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (02 bản chính)
- Tờ khai đăng ký thuế
- Sơ đồ vị trí nhà đất (01 bản chính)
Kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, thời gian thủ tục sang tên kéo dài 10 ngày làm việc.
Bộ hồ sơ sẽ được gửi đến cơ quan thuế và phòng Tài nguyên và Môi trường để xác định nghĩa vụ tài chính và tiến hành sang tên.
*Lưu ý:
Tình huống chuyển nhượng một phần thửa đất thì người sử dụng đề nghị văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đo đạc, tách thửa đối với phần diện tích cần thực hiện chuyển nhượng trước khi nộp hồ sơ.
Bước 3: Thực hiện nghĩa vụ tài chính
Văn phòng đăng ký đất đai sẽ gửi thông báo cho chủ thửa đất ngay khi có thông từ cơ quan thuế để hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Bước 4: Nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Sau khi hoàn tất nghĩa vụ tài chính, chủ thửa đất nộp biên lai cho Văn phòng đăng ký đất đai để nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thời gian làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tối đa là 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Các loại đất được phép chuyển nhượng
Hiện nay căn cứ vào loại đất và người có quyền sở hữu mảnh đất mà chúng ta có thể xác định xem mảnh đất này có được phép chuyển nhượng hay không.
Các cá nhân hoặc tổ chức đã được nhà nước giao quyền sử dụng đất nhưng không thu tiền thì không có quyền chuyển nhượng cũng như cho, tặng, bán, thế chấp, góp vốn bằng mảnh đất đó. Đồng thời khi Nhà nước chuyển đổi mục đích sử dụng mảnh đất này thì cần có văn bản thông báo từ trước cho bên đang được cấp quyền sử dụng đất.
Tuy tổ chức kinh tế thuộc trường hợp trên nhưng có nộp tiền thuê đất, sử dụng đất có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu tài sản đi kèm đất.
Riêng đối với một số đơn vị hành chính sự nghiệp công lập có tự chủ về tài chính đã trả tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian thuê có thể chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất này. Thế nhưng quá trình chuyển nhượng cần phải có sự chấp thuận của cơ quan nhà nước quản lý đất đai tại địa phương bằng văn bản hợp quy.
Các cá nhân đã được nhà nước giao đất theo định mức hoặc cho thuê đất và đã thu toàn bộ tiền thuê thì được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, bao gồm cả quyền chuyển nhượng hợp pháp mảnh đất đó.
Cá nhân và các tổ chức được nhà nước cho thuê đất nhưng thu tiền hàng năm thì không có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất của mình.
Xem thêm bài viết: Thửa đất là gì? – Một số khái niệm liên quan đến thửa đất